DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Căn cứ theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Doanh nghiệp tư nhân được quy định như sau:

  • Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  • Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

a, Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu.

  • Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, thành lập và làm chủ có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ. Tất cả các cá nhân đều có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân trừ những cá nhân không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • Đặc điểm về chủ sở hữu (doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu của một chủ) sẽ phân biệt doanh nghiệp tư nhân với những loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhiều chủ như công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên.
  • Với tính chất là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ nên toàn bộ vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân (chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân) đầu tư. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký số vốn đầu tư và phải ghi chép đầy đủ toàn bộ vốn, tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư và phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Khác với việc góp vốn vào công ty, những người góp vốn vào công ty phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty thì tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Như vậy, so với các loại hình công ty là những tổ chức kinh tế có tài sản riêng thì doanh nghiệp tư nhân không có tài sản riêng. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân.
  • Từ tiền đề đó, trên nền tảng lý luận chung về quyền năng của chủ sở hữu đối với vật và tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, với bạn hàng của doanh nghiệp tư nhân; có quyền quyết định thay đổi số phận pháp lý của doanh nghiệp tư nhân như bán doanh nghiệp, cho thuê doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp… (nội dung phân tích quyền, nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được trình bày cụ thể tại phần 3 của Chương này). Sở dĩ chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân vì chủ doanh nghiệp tư nhân không phải chia sẻ quyền năng “định đoạt, sử dụng” doanh nghiệp tư nhân với bất kì tổ chức, cá nhân nào. Toàn bộ các quyền năng trong khuôn khổ quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp tư nhân chỉ do chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định vì chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân duy nhất đầu tư toàn bộ vốn để hình thành doanh nghiệp tư nhân. vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân có bản chất tương tự như vốn điều lệ của công tỉ. Quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp giống như quyền của chủ sở hữu (các thành viên, cổ đông) đối với công ty.

b, Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau:

– Được thành lập hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan;

– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như phân tích tại đặc điểm thứ nhất khi nhận diện doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân đầu tư vốn và làm chủ. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền sở hữu tài sản đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để được công nhận là pháp nhân.

c, Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

  • Trách nhiệm tài sản trong kinh doanh thường được đặt ra đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản trong kinh doanh của doanh nghiệp để chỉ về khả năng chịu trách nhiệm tài sản giữa doanh nghiệp với các khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm tài sản bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp là trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do mình góp vốn đầu tư.
  • Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng nên trách nhiệm tài sản đối với đối tác, khách hàng, chủ nợ, những người có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh có nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả tài sản chủ doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào doanh nghiệp và tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân không đàu tư vào doanh nghiệp. Cụ thể hơn có thể hiểu là chủ doanh nghiệp tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi số vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình không đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
  • Như vậy, trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân là một loại trách nhiệm tài sản không chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn chủ sở hữu đầu tư vào doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định từ thời điểm doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thời điểm bị áp dụng trách nhiệm vô hạn là thời điểm doanh nghiệp tư nhân bị tuyên bố phá sản. Các văn bản pháp luật doanh nghiệp và pháp luật phá sản đã có sự thống nhất khi quy định về trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Luật Phá sản đã mở ra hướng “mềm dẻo” hơn về trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản. Theo đó, khoản 1 Điều 110 Luật Phá sản năm 2014 quy định:

Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại các điều 105, 106 và 107 của Luật này không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp người tham gia thủ tục phá sản có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân có điểm tích cực và điểm hạn chế như sau:

Đứng ở góc độ nhà đầu tư thì trách nhiệm vô hạn không phân tán được rủi ro trong kinh doanh cho cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân. Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân cao. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình mà không có sự phân tán rủi ro cùng những chủ thể khác như những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân lại tạo sự “an toàn” hơn cho chủ nợ vì chủ nợ có khả năng đòi được nợ không chỉ giới hạn trong số vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân vào doanh nghiệp đó. Có thể từ ý tưởng bảo vệ lợi ích tài sản cho chủ nợ trong mối quan hệ với doanh nghiệp tư nhân mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định: Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

và khoản 3, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn bảo lưu và quy định như trên.

Bàn luận về trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân có một số điểm lưu ý sau:

Một là, xác định khối tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản. Ngoài những tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp sẽ còn bao gồm cả khối tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được chia theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Việc kê biên tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và không kê biên những tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân như: số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của chủ doanh nghiệp tư nhân và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập thu hoạch mới; số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của chủ doanh nghiệp tư nhân và gia đình; đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương; vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng để chăm sóc người ốm… Quy định về một số tài sản không kê biên của chủ doanh nghiệp tư nhân khi doanh nghiệp tư nhân bị phá sản không mâu thuẫn với trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân bởi quy định của pháp luật được xây dựng trên nền tảng đạo đức, triết lý nhân văn của dân tộc và được quy định thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Hai là, xác định trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân khi chủ doanh nghiệp tư nhân đã kết hôn, Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tài sản chung được đưa vào kinh doanh thì “trong trường hợp vợ chồng có thoả thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thi người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.

Theo đó, vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thông nhất bằng văn bản về việc sử dụng tài sản chung để một người đầu tư vào kinh doanh nói chung và thành lập doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Một số vấn đề cần lưu ý là:

– Giải quyết trách nhiệm tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp vợ hoặc chồng đưa tài sản chung vào thành lập doanh nghiệp tư nhân mà chưa có sự đồng ý của người còn lại.

– Vợ hoặc chồng của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu trách nhiệm tài sản như thế nào khi họ đã thống nhất bằng văn bản cho chồng/vợ của mình dùng tài sản chung để thành lập doanh nghiệp tư nhân?

– Do chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thể sử dụng lợi nhuận đó để chi tiêu cho nhu cầu của gia đình họ. Vậy tài sản đó nếu được xác định là tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân thì chủ nợ có quyền đòi một nửa số tài sản chung hay toàn bộ sô tài sản chung của vợ chồng chủ doanh nghiệp tư nhân được tạo lập từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tư nhân?

Thứ tư, Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào.

Quy định trên của pháp luật đã hạn chế quyền huy động vốn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, ngoài doanh nghiệp tư nhân còn có công ty hợp danh là hai loại hình doanh nghiệp không có quyền phát hành chứng khoán để huy động vốn. Điều đó có nghĩa là nếu các doanh nghiệp này muốn đầu tư mới, phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp mình thì chỉ giới hạn huy động vốn bằng cách chủ sở hữu doanh nghiệp đầu tư thêm vốn vào doanh nghiệp hoặc đi vay tài chính và có thể có những khoản thu hút vốn đầu tư khác từ việc được tặng cho, thừa kế tài sản… So với công ty TNHH được quyền phát hành trái phiếu và Công ty cổ phần được phát hành chứng khoán để huy động vốn thì rõ ràng doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp dahh khó khăn hơn khi tìm kiếm các nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh quy định doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn xác định rõ doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần.

Lý giải cơ sở khoa học trong việc xây dựng quy định trên của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hiện đang có những ý kiến trái chiều:

Ý kiến thứ nhất cho rằng sở dĩ doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào, doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần là vì để bảo vệ quyền lợi, hạn chế rủi ro cho các đối tác, chủ nợ trong quan hệ với doanh nghiệp tư nhân.

Ý kiến thứ hai theo hướng “thông thoáng” nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân. Để bảo vệ cho ý kiến thứ hai, các lập luận bắt nguồn từ tương quan so sánh giữa quy định về quyền phát hành trái phiếu của công ty TNHH sẽ có thể gây rủi ro cho các chủ nợ hơn so với việc cho phép doanh nghiệp tư nhân được phát hành trái phiếu. Bởi vì chính chế độ ữách nhiệm vô hạn sẽ tạo sự an toàn hơn cho người mua trái phiếu của doanh nghiệp tư nhân khi cho phép doanh nghiệp tư nhân được phát hành trái phiếu. Trong khi đó, các thành viên công ty TNHH chỉ chịu TNHH được giới hạn trong phần vốn cam kết góp vào công ty và do đó người mua trái phiếu của công ty TNHH sẽ bị rủi ro về tài sản hơn.

Những ý kiến trên cần được nghiên cứu, phân tích để hướng tới việc xây dựng điều luật về cách thức huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế của quốc gia.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký thành lập công ty, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết các vấn đề pháp lý có liên quan.

Trân trọng!

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT MAI NGUYÊN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *